Sốt xuất huyết là bệnh thường gặp nhất là ở khu vực có khí hậu nhiệt đới, đặc biệt là khi thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao. Trẻ em với sức đề kháng yếu là đối tượng rất dễ mắc bệnh và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Trong bài viết dưới đây, Green Daddy sẽ cung cấp cho bạn các thông tin chi tiết về sốt xuất huyết và đặc biệt là cách phòng chống bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe bé yêu.
Tại sao trẻ sơ sinh lại bị sốt xuất huyết?
Không riêng gì trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, người lớn cũng có khả năng nhiễm bệnh với 2 nguyên nhân:
- Do virus Dengue gây ra.
- Loài muỗi hút máu người mắc bệnh lan truyền cho người lành.
Thông thường trẻ bị sốt xuất huyết cần phải được xác định trong 3 ngày đầu kể từ ngày bé sốt. Ngoài ra, mẹ cũng nên lưu ý thời điểm đó có phải đang trong giai đoạn bùng phát dịch sốt xuất huyết, hoặc người xung quanh có ai đang mắc bệnh hay không.
Các biện pháp điều trị sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ
Sốt xuất huyết ở giai đoạn đầu (chưa có biểu hiện xuất huyết) thường được điều trị tại nhà. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng biến chứng không xảy ra. Chính vì vậy, mỗi bậc cha mẹ hãy trở thành bác sĩ của con để theo dõi sát sao nhằm kịp thời xử trí trước những biến chứng.
Một số lưu ý trong khi chăm sóc con như:
- Cho trẻ nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Trẻ nên được uống nước một cách chậm rãi vì việc uống quá nhanh dễ dẫn đến nôn trớ, đầy bụng. Nếu trẻ còn đang bú mẹ, cần tăng số lần cho bú. Sốt xuất huyết làm máu cô đặc, khó lưu thông nên bé cần được uống nhiều nước để tránh bị sốc, bởi tình trạng sốc chính là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người mắc bệnh.
- Thức ăn nên ở dạng lỏng để trẻ dễ nuốt và không bị nôn ói. Cho trẻ ăn các món ăn mềm dễ tiêu hóa và giàu dinh dưỡng như cháo, súp. Đặc biệt, không cho các bé ăn quá no.
- Những nốt đỏ ở da là do một số hồng cầu thoát khỏi thành mạch máu ra bên ngoài tụ dưới da gây nên hiện tượng xuất huyết dưới da. Các dấu hiệu này sẽ biến mất trong 5-7 ngày. Vì vậy không nên chữa trị theo cách dân gian như chà lá trầu lên da hoặc cạo gió, có thể làm tổn thương da của trẻ.
- Cho trẻ bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.
- Sốt xuất huyết thường diễn tiến trong 7 ngày, đa phần là tự khỏi, tỉ lệ biến chứng nặng chỉ từ 3%-5%. Do đó cần đưa trẻ đi bệnh viện ngay nếu xuất hiện một trong những triệu chứng nặng như đau bụng, bứt rứt, chảy máu chân răng, chảy máu cam, tay chân lạnh,…
- Cần theo dõi để kịp xử lý khi trẻ có biểu hiện bị sốc. Nếu thấy trẻ đau bụng, ói và tay chân lạnh toát thì cần đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu ngay. Một biểu hiện khác của tình trạng sốc là trẻ bỗng trở nên lừ đừ, có khi vật vã và không tỉnh táo.
- Trẻ cũng có thể giảm hẳn số lần đi tiểu nhưng lại thấy rất khát. Da bầm, môi xám cũng là một biểu hiện của sốc.
- Chỉ cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ, không nên để trẻ sốt quá cao dễ dẫn đến co giật. Ghi nhớ lịch khám lại theo hẹn: mỗi ngày cho đến khi hết sốt liên tục > 48h.
Làm thế nào để phòng bệnh sốt xuất huyết cho trẻ?
Để phòng tránh bệnh và các biến chứng của bệnh ở trẻ em, người lớn cần đặc biệt lưu ý các biện pháp xử lý sau:
Loại bỏ nơi sinh sản, môi trường sống của muỗi, lăng quăng, bọ gậy
Là nguyên nhân chính lây lan bệnh, diệt muỗi được coi như biện pháp “diệt cỏ tận gốc” đối với bệnh sốt xuất huyết. Một số cách được sử dụng hiệu quả như:
- Đậy kín các dụng cụ có chứa nước để muỗi không thể vào đẻ trứng.
- Thả cá vào các dụng cụ đựng nước dung tích lớn (bể, giếng, chum, vại…) để cá ăn hết lăng quăng/bọ gậy nếu có. Các loại cá nên lựa chọn là cá bảy màu, cá sóc, cá rô phi, cá chép, cá lê Argentina,…
- Vệ sinh tất cả các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.
- Thu gom, vứt bỏ các vật dụng, phế liệu trong nhà và xung quanh nhà, chẳng hạn như chai, lọ, mảnh vỡ vỏ chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ quả dừa, lốp xe, vỏ xe cũ, hốc tre,…
- Vệ sinh môi trường sinh sống, lật úp các vật dụng chứa nước khi chưa dùng đến.
- Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.
- Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
- Dọn dẹp nhà cửa để luôn sạch sẽ, thoáng mát, ngăn nắp.
Bên cạnh đó, cần tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Phòng chống muỗi đốt cho trẻ
Cha mẹ hãy chú ý một vài thói quen sinh hoạt của con để phòng chống muỗi đốt như:
- Cho trẻ mặc quần áo dài tay.
- Ngủ trong màn, giăng mùng, kéo rèm (kể cả ban ngày).
- Sử dụng bình xịt diệt muỗi, nhang hương chống muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi,…
- Không để trẻ chơi ở những chỗ tối, nhiều bụi cây,…
Sốt xuất huyết là bệnh dễ gặp phải nhưng hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên phòng bệnh chính là giải pháp tốt nhất. Để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho trẻ, ba mẹ hãy lưu ý thực hiện các biện pháp một cách hiệu quả nhất nhé!