Các bộ phận trên cơ thể trẻ sơ sinh rất nhạy cảm nên các ông bố bà mẹ cần phải chú ý vệ sinh kỹ càng. Hơn nữa, khi tiếp xúc gần với bé, đây còn là khoảnh khắc giao tiếp gần gũi, để con cảm nhận được tình yêu ấm áp của ba mẹ.
Hiểu được điều đó, trong bài viết hôm nay, Green Daddy sẽ mách mẹ cách vệ sinh đúng chuẩn cho trẻ sơ sinh.
Vệ sinh cuống rốn
Cuống rốn của trẻ sơ sinh sẽ tự rụng trong khoảng từ 5-15 ngày. Lúc này, cuống rốn được xem là một vết thương hở, vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập và gây nên tình trạng viêm nhiễm.
Do đó, mẹ nên vệ sinh rốn cho bé ít nhất 1 lần trong ngày, để loại bỏ những vi khuẩn có nguy cơ gây hại cho con.
Bên cạnh đó, các mẹ cần chú ý vệ sinh đến vùng nhạy cảm, luôn để thoáng khí giúp cuống rụng nhanh. Chú ý khi quấn tã, không động đến vùng này và khi cuống rốn rụng, vết sẹo nhỏ sẽ nhanh chóng liền lại.
Vệ sinh mắt
Khi mới chào đời, đôi mắt của trẻ sơ sinh rất yếu ớt, thường bị chảy ghèn và dễ bị dính lông mi vào buổi sáng. Nếu không được vệ sinh sạch sẽ, có thể làm tăng nguy cơ gây viêm nhiễm, ảnh hưởng đến thị giác.
Để mắt con được sáng khỏe, mẹ hãy vệ sinh từ 1-3 lần/ngày bằng một miếng gạc (bông) tiệt trùng tẩm huyết thanh sinh học (nước muối sinh lý) để lau sạch mắt cho bé, mỗi bên một miếng riêng biệt. Bắt đầu từ vùng sạch nhất để tránh gây ghèn mắt ra các khu vực khác.
Vệ sinh vùng kín
Trong phân và nước tiểu có chứa axit và các vi khuẩn gây hại, nên vùng kín là nơi mẹ cần vệ sinh thường xuyên nhất. Mỗi lần thay tã cho bé, mẹ nên vệ sinh sạch sẽ để loại bỏ vi khuẩn gây ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ.
Mẹ hãy làm khô da bé với khăn tắm thấm nước bằng những cái vỗ vỗ nhẹ liên tiếp, đặc biệt chú ý đến những nếp gấp ở bẹn. Cơ quan sinh dục của bé cũng cần được vệ sinh kỹ lưỡng.
Đối với một bé gái, sử dụng miếng gạc hay vải cotton ướt không có xà phòng vệ sinh theo hướng từ âm hộ xuống hậu môn.
Đối với bé trai, rửa sạch với một miếng gạc hay vải cotton ướt không xà phòng làm sạch dương vật. Hãy làm thật nhẹ nhàng, không quá mạnh, tránh tổn thương vùng kín của bé.
Ngoài ra, cũng nên dùng cho bé tã giấy chất lượng cao để có thể yên tâm hoàn toàn về làn da bé ở những vùng nhạy cảm nhất của cơ thể.
Vệ sinh tai
Vành tai của trẻ sơ sinh còn nhỏ, có nhiều nếp gấp. Do đó, đây là nơi tích tụ của nhiều bụi bẩn và vi khuẩn ảnh hưởng đến làn da nhạy cảm của trẻ.
Mẹ tuyệt đối không được sử dụng các dụng cụ có đầu nhọn để làm sạch vành và tai giữa. Hãy chọn một miếng bấc bằng cotton khô, làm thật khéo, nhẹ nhàng để không làm thủng màng nhĩ của bé. Khi thao tác, mẹ cần giữ đầu của bé thật chắc để tránh bé ngọ nguậy, khiến việc vệ sinh không an toàn.
Vệ sinh móng tay
Chỉ khi bé tròn 1 tháng tuổi thì mẹ mới được cắt móng tay của bé. Hãy sử dụng những chiếc bấm móng tay thật sắc, đầu tròn phù hợp, tránh để lại những miếng mẩu móng tay thừa ở hai bên móng.
Vì đó có thể là nguyên nhân gây viêm nhiễm và đặc biệt không nên cắt móng tay quá ngắn.
Thay tã
Vào những tháng đầu tiên sau sinh, mẹ phải thực hiện việc thay tã 6-10 lần/ngày với những thao tác thuần thục. Tã giấy cần thiết phải được chuẩn bị đầy đủ và ngay cạnh nơi mẹ thay đồ cho bé.
Khi thay tã, mẹ hãy đặt nhẹ nhàng bé nằm duỗi thẳng trên giường hay bàn quấn tã, ở dưới lót một chiếc khăn vệ sinh sạch. Mở từng lớp tã, đầu tiên là vệ sinh phần mông rồi gấp tã lại đặt dưới mông. Sau đó lấy tã bẩn đi, thay bằng tã sạch.
Trong khi thay tã, không được rời bé một giây và 1 tay luôn giữ bé để phòng những tình huống rủi ro như bé ngọ nguậy rồi ngã….
Vệ sinh mũi
Mũi của trẻ sơ sinh có niêm mạc mỏng và nhạy cảm, lỗ mũi nhỏ. Các yếu tố khói bụi, vi khuẩn, vi rút theo đường thở, tích tụ lâu ngày trong niêm mạc sẽ gây viêm nhiễm, dị ứng.
Hãy thường xuyên lau mũi cho bé bằng những miếng bông nhỏ khử trùng, tẩm huyết thanh sinh học (nước muối sinh lý). Mỗi bên lỗ mũi dùng một miếng bông vệ sinh riêng và hết sức cẩn thận khi đưa miếng bông vào sâu trong cánh mũi đồng thời ngoáy thật nhẹ để lấy đi hết các chất nhớt.
Vệ sinh miệng
Niêm mạc miệng và lưỡi của trẻ sơ sinh thường khô hơn người lớn. Hơn nữa, trẻ sau khi ăn thường bị dính cặn sữa trên lưỡi. Đây là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển, gây viêm nhiễm và tưa lưỡi ở trẻ nhỏ.
Để tránh các bệnh về răng miệng, mẹ hãy vệ sinh miệng cho bé sau khi trẻ ăn 2 tiếng, mỗi buổi sáng và buổi tối trước khi bé ngủ.
Hy vọng những chia sẻ trên sẽ hữu ích đối với mẹ trong việc chăm sóc bé. Bé phát triển khỏe mạnh, cả nhà đều vui!